Bằng giá mua Toyota Hilux hay Ford Ranger Bán tải chạy phố đua công nghệ
Toyota Hilux 2021 vừa ra mắt với nhiều nâng cấp đáng chú ý ở ngoại hình và công nghệ an toàn, nhằm tăng sức cạnh tranh với ông vua phân khúc xe bán tải tại Việt Nam, Ford Ranger.
Dù nở rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng phân khúc bán tải tại Việt Nam gần như là sân chơi riêng của Ford Ranger. Trong 7 tháng đầu năm 2020, mẫu bán tải Mỹ đạt tổng doanh số 5.492 xe, cao hơn cả doanh số của Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Mazda BT-50, Isuzu D-Max và Nissan Navara cộng lại.
Ford Ranger dẫn đầu xu hướng xe bán tải đi phố tại Việt Nam. Hãng xe Mỹ trang bị cho sản phẩm của mình một ngoại hình bóng bẩy, đi cùng một loạt công nghệ và an toàn tiên tiến. Ngược lại, những mẫu xe như Isuzu D-Max hay Toyota Hilux hướng mục đích chở hàng, bán chạy “top” đầu tại Thái Lan nhưng luôn đi sau Ford Ranger về doanh số ở Việt Nam.
Giá bán Toyota Hilux và Ford Ranger bản cao cấp nhất chỉ chênh 5 triệu đồng.
Ngày 14/8, Toyota Việt Nam chính thức giới thiệu ra thị trường phiên bản nâng cấp của Hilux với 4 phiên bản, giá bán giao động từ 628 triệu đồng đến 913 triệu đồng. Bất cứ mẫu xe nào mới ra mắt đều bị so sánh với đối thủ bán chạy nhất phân khúc. Và bài viết này sẽ so sánh 2 phiên bản cao cấp nhất Toyota Hilux 2.8L 4×4 AT Adventure và Ford Ranger Wildtrak 2.0L AT 4×4.
1. Ngoại hình
Là phiên bản facelift, nhưng ngoại hình của Toyota Hilux 2021 đã lột xác một cách ấn tượng. Phần đầu xe với lưới tản nhiệt cỡ lớn, đèn pha nhỏ lại, đặt ngang tạo nên vẻ bề thế. Thiết kế này dễ liên tưởng đến những mẫu SUV và bán tải mà Toyota tại thị trường Mỹ, nơi người tiêu dùng vốn yêu vẻ cơ bắp và gân guốc.
Ford vốn là thương hiệu hàng đầu về xe bán tải, nên hãng có nhiều năm kinh nghiệm chinh phục nhóm khách hàng tìm mua dòng xe này. Ford Ranger tại Việt Nam được nâng cấp gần nhất vào năm 2018. Lưới tản nhiệt phía trước cũng được làm to bản cùng đèn pha trải ngang.
Ford Ranger to lớn hơn một chút, với kích thước tổng thể Dài x Rộng x Cao lần lượt là 5.362 x 1.860 x 1.830 mm, và chiều dài cơ sở 3.220 mm. Trong khi đó, Toyota Hilux có kích thước tương ứng là 5.325 x 1.900 x 1.815 mm, và chiều dài cơ sở 3.085 mm. Chiều dài cơ sở ngắn hơn trên lý thuyết sẽ khiến khoang cabin bị thu hẹp lại.
Tuy nhiên, mẫu bán tải Nhật Bản có khoảng sáng gầm 286 mm nên khả năng vượt địa hình tốt hơn, trong khi gầm Ford Ranger chỉ cao 200 mm sẽ bám đường và ổn định khi vào cua hơn trên những con đường công cộng. Thùng chở hàng của Ford Ranger có kích thước Dài x Rộng x Cao lần lượt 1.613 x 1.850 x 511 mm, và 1.512 x 1.524 x 482 mm tương ứng với Toyota Hilux.
Trang bị bên ngoài của cả hai mẫu xe tương đồng nhau, với đèn pha LED tự động kết hợp thấu kính Projector, đèn định vị ban ngày LED, mâm xe 18 inch, gương chiếu hậu chỉnh điện…
2. Nội thất
Thật khó để nhận xét mẫu xe nào nội thất đẹp hơn vì còn phụ thuộc vào cảm quan của mỗi người. Nhưng Ford Ranger vẫn có chút gì đó đô thị và bắt mắt hơn, do loại bỏ hoàn toàn dạng nút xoay với tay nắm ở giữa, còn Toyota Hilux vẫn sử dụng loại nút xoay này cho tính năng gài cầu. Các tiểu tiết cũng được hãng xe Mỹ làm tốt, như đường chỉ khâu màu cam tương phản, ghế ngồi thể thao, ốp nhựa bóng ở bảng táp-lô hay cần số chau chuốt hơn.
Tính năng, trang bị bên trong hai mẫu xe khá tương đồng, đều có màn hình giải trí cảm ứng 8 inch ở trung tâm, hệ thống định vị dẫn đường, cửa sổ chỉnh điện, ga tự động, ghế lái chỉnh 8 hướng và khởi động nút bấm. Ford Ranger nhỉnh hơn nhờ tính năng điều hoà tự động 2 vùng, cụm đồng hồ 2 màn hình điện tử và chống ồn chủ động. Còn Toyota Hilux vượt trội ở nội thất bọc da (Ranger dùng da pha nỉ), điều hoà tự động 1 vùng nhưng có cửa gió cho hàng ghế sau và dàn âm thanh JBL 9 loa.
Khó có thể tìm sự thoải mái khi ngồi ở hàng ghế sau của xe bán tải, do chúng được sinh ra để phục vụ mục đích chở hàng. Vì đều sử dụng hệ dẫn động bốn bánh, nên cả hai mẫu xe đều có phần gồ cao lên ở giữa. Không có cửa gió điều hoà riêng, nhưng bù lại, Ford Ranger lại “ăn tiền” ở cổng sạc 230V và hàng ghế sau có thể gập gọn để chở đồ.
3. An toàn và động cơ
Hilux 2021 được trang bị gói công nghệ an toàn Toyota Safety Sense, bao gồm tính năng cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo chệch làn, ga tự động thích ứng. Không có một cái tên mỹ miều như Toyota, Ford Ranger đã có những tính năng này từ rất lâu. Trong 3 tính năng kể trên, mẫu bán tải Mỹ chỉ thiếu ga tự động thích ứng, nhưng lại có thêm hỗ trợ giữ làn đường và hỗ trợ đỗ xe chủ động song song.
Cả hai mẫu xe đều có những tính năng an toàn cơ bản, như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, hỗ trợ lên xuống dốc, camera lùi và cảm biến hỗ trợ đỗ xe. Ford Ranger có 6 túi khí, còn Toyota Hilux có 7 túi khí.
Dưới nắp capô Toyota Hilux là khối động cơ dầu 2.8L, 4 xy-lanh thẳng hàng, cho công suất 201 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm. Hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động bốn bánh AWD. Trong khi đó, động cơ dầu trên Ford Ranger là loại tăng áp kép 2.0L, cho công suất 213 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm. Hộp số tự động 10 cấp và hệ dẫn động bốn bánh.
Như vậy, Ford Ranger vẫn giữ vị trí là mẫu xe bán tải có sức mạnh động cơ dẫn đầu phân khúc, và còn nhỉnh hơn nhờ hộp số tự động 10 cấp, cho khả năng vận hành mượt mà hơn trên lý thuyết. Tuy nhiên, động cơ 2.0L trên Ford Ranger từng dính lỗi chảy dầu, gây ra lùm xùm suốt nhiều tháng đầu năm 2020, nên sẽ có một số lượng khách hàng nhất định e dè khi lựa chọn mẫu xe này.
4. Kết luận
Cùng nhập khẩu từ Thái, Toyota Hilux 2.8L 4×4 AT Adventure có giá bán 913 triệu đồng, còn Ford Ranger Wildtrak 2.0L AT 4×4 có giá bán 918 triệu đồng, nên chênh lệch về giá là không nhiều. Tuy nhiên, người ưu tiên về công nghệ, tính năng và nội thất có thể cân nhắc tới Ford Ranger.
Trong khi đó, Toyota Hilux phù hợp với người yêu thương hiệu Toyota, những người vốn quan niệm xe Nhật bền, tiết kiệm, ít hỏng vặt. Hơn thế nữa, lựa chọn Hilux tại thời điểm này không phải băn khoăn về chuyện mất giá vì phiên bản mới do xe vừa mới mở bán. Còn Ford Ranger được nâng cấp cách đây 2 năm, và sẽ ra mắt một phiên bản mới trong tương lai gần.
Nhận xét
Đăng nhận xét