Các nước khó giảm nợ công hậu Covid-19
Nợ công các nước hiện tương đương thời Thế chiến II, nhưng việc giảm nợ sẽ khó hơn nhiều, do vấn đề dân số, công nghệ và tăng trưởng chậm.
Chính sách tăng chi tiêu để đối phó đại dịch của các nước khiến nợ công tăng vọt. Số liệu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tính đến hết tháng 7, nợ công của các nước phát triển đã tương đương 128% GDP. Năm 1946, con số này là 124%.
Glenn Hubbard – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết các nước hiện không lo lắng về khối nợ tăng cao, mà chỉ tập trung kiểm soát đại dịch. “Hiện tại chính là một cuộc chiến. Không phải là với thế lực bên ngoài, mà là với virus. Mức độ chi tiêu không phải là vấn đề”, Hubbard cho biết.
Sau Thế chiến II, các nước phát triển giảm nợ nhanh chóng, một phần nhờ tốc độc tăng trưởng cao. Tỷ lệ nợ trên GDP chỉ còn hơn 50% năm 1959. Dù vậy, lần này có thể khó khăn hơn, do các yếu tố liên quan đến cơ cấu dân số, công nghệ và tăng trưởng chậm. Dù đại dịch biến mất sẽ khiến sự lạc quan tăng vọt, khả năng bùng nổ như hậu Thế chiến II sẽ khó lặp lại.
Sau chiến tranh, tốc độ sinh bùng nổ, khiến lực lượng lao động cũng gia tăng. Các nước còn được hưởng lợi từ điện khí hóa, sự hình thành các khu vực ngoại ô và chất lượng dược phẩm tăng. Đến cuối thập niên 50, tăng trưởng trung bình tại Pháp và Canada là 5% một năm. Italy gần 6%. Đức và Nhật Bản hơn 8%. Còn GDP Mỹ tăng gần 4%.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, Mỹ, Anh và Đức chỉ tăng trưởng khoảng 2% một năm. Tốc độ này tại Pháp và Nhật Bản là gần 1%. Còn Italy gần như không tăng trưởng.
Tăng trưởng dân số cũng chậm lại tại các nền kinh tế phát triển. Lực lượng lao động đang co lại khi dân số già và tỷ lệ sinh giảm. Đến đầu thập niên 60, các nước G7 đều có tăng trưởng dân số gần 1% mỗi năm hoặc hơn. Hiện tại, không nước này đạt tốc độ này. Italy và Nhật Bản thậm chí còn đi xuống.
Tăng trưởng kinh tế nhanh và tiền chi cho quân sự giảm thời hậu chiến khiến việc giảm nợ dễ dàng. Tại Mỹ, chi tiêu của chính phủ giảm hơn nửa giai đoạn 1945 – 1947, chưa điều chỉnh theo tăng trưởng hoặc lạm phát.
Nhưng ngày nay, mức nợ thậm chí đã tăng từ trước khi đại dịch xuất hiện. Từ thập niên 80, nợ công tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã tăng, chủ yếu do chi phí lương hưu và chăm sóc sức khỏe.
Sau chiến tranh, khi các nước phát triển giảm lương và kiểm soát giá cả, lạm phát đi xuống đã giúp giảm nợ. Tuy nhiên hiện tại, lạm phát chưa hề tăng tốc, bất chấp các chính sách kích thích khổng lồ.
Lãi suất thấp cũng góp mặt trong cả Thế chiến II và hiện tại. Sau Thế chiến II, Fed duy trì lãi suất ở mức thấp để giảm chi phí đi vay của chính phủ. Hiện tại, Fed và Bộ Tài chính Mỹ không có sự phối hợp chính thức nào. Nhưng với nền tảng tăng trưởng thấp, thị trường lao động yếu và lạm phát thấp, hầu hết ngân hàng trung ương coi kéo dài chính sách lãi suất thấp kỷ lục là phù hợp.
Dù vậy, các nền kinh tế phát triển có thể sẽ phải chấp nhận từ nay mức nợ công sẽ cao hơn. Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang mua vào lượng lớn trái phiếu chính phủ để hạ lãi suất dài hạn và thúc đẩy tăng trưởng. Việc này đã giảm lượng lớn trái phiếu nằm trong tay người dân, dồn tiền lãi quay về chính phủ.
Hơn 4.000 tỷ trong số 26.000 tỷ USD nợ chính phủ Mỹ hiện nằm trong tay Fed. Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng sở hữu hơn 4.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ trong số 11.000 tỷ USD đang lưu hành. Nhật Bản chính là ví dụ cho thấy nợ có thể tăng trong dài hạn, lên trên 200% GDP, mà không gây ra khủng hoảng tài khóa.
Các nhà kinh tế học cho biết khi để các ngân hàng trung ương nắm nhiều nợ, một số rủi ro và thách thức từ việc quản lý nợ sẽ được chuyển từ Bộ Tài chính sang ngân hàng trung ương. “Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương vẫn sẽ làm tốt thôi, nhưng điều này cũng có thách thức”, Sheets cho biết, “Khi rơi vào tình huống bất ngờ, luôn có rủi ro chuyện gì đó sẽ đi sai hướng. Đây là vấn đề chúng ta thi thoảng sẽ phải đối mặt”.
Hà Thu (theo WSJ)
Nhận xét
Đăng nhận xét