Có nên cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch Việt Nam
Mở cửa cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch có thể tạo thêm cơ hội hút vốn đầu tư song việc này cũng tiềm ẩn rủi ro.
Trong bối cảnh tồn kho ở phân khúc căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch lớn và 20% số này bị tồn do Covid-19, Bộ Xây dựng hai tháng trước đã đề xuất cho phép người nước ngoài mua, sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch.
Đề xuất này dựa trên luận cứ Luật Nhà ở hiện nay cho phép tổ chức nước ngoài, người nước ngoài được sở hữu nhà ở khi đầu tư dự án nhà tại Việt Nam. Các đối tượng người nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại (căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ), trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, tỷ lệ không quá 30% lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư.
Hiện đề xuất này đón nhận hai luồng quan điểm trái chiều. Quan điểm đồng tình rơi vào nhóm các doanh nghiệp, đặc biệt là những nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Tổng giám đốc một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 3 TP HCM cho rằng, đề xuất này có thể giúp nhiều doanh nghiệp tăng cơ hội cải thiện doanh thu, giải phóng hàng tồn kho tại các thành phố biển.
Theo doanh nghiệp này, hơn 2 năm qua đa số các dự án bất động sản tại TP HCM đều bị chậm tiến độ, vướng thủ tục pháp lý, 80% các công ty địa ốc đều phải đánh bắt xa bờ, chủ yếu phát triển các dự án nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch biển. Tuy nhiên, sức mua bất động sản nghỉ dưỡng bị chững lại do các tranh chấp về condotel đã làm nghẽn mạch thị trường và Covid-19 tạo nên cú đấm bồi, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề xuất của Bộ Xây dựng đóng vai trò khơi thông thêm nguồn cầu bất động sản nghỉ dưỡng ở nhóm đối tượng người nước ngoài có thể gỡ được thế khó tạm thời cho rất nhiều doanh nghiệp địa ốc.
Trong báo cáo gần đây, Công ty Savills Việt Nam nhận định đề xuất của Bộ Xây dựng là động thái tích cực, một lần nữa thể hiện nỗ lực và sự đồng hành của Nhà nước để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, đề xuất của Bộ Xây dựng về việc tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam là việc nên làm. Ông Khương đánh giá, xét về mặt địa lý, Việt Nam có thế mạnh đường bờ biển dài 2.500 km. Dọc 63 tỉnh thành của nước ta có hơn một nửa trong đó gắn liền với biển, tiềm năng du lịch, cho thuê, nghỉ dưỡng rất lớn và cần được khai thác triệt để.
Việc bán bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ bởi lẽ người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam.
Không những thế, việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo. Xu thế về việc nhận nguồn đầu tư từ nước ngoài cho các sản phẩm du lịch cũng đã và đang được triển khai khá hiệu quả ở các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Singapore…
Tuy nhiên, luồng quan điểm phản đối đề xuất của Bộ xây dựng cũng đưa ra các luận cứ phản biện mạnh mẽ. Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết không đồng tình với một số ý kiến đề xuất này.
“Các doanh nghiệp đang phát triển dự án nghỉ dưỡng tất nhiên ủng hộ cho người nước ngoài mua loại tài sản này để tăng thanh khoản, có thêm cơ hội bán hàng và huy động vốn nhưng ở tầm nhìn vĩ mô, hệ lụy rất khó lường”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho biết, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, Hiệp hội đề nghị không nên cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, nhà phố du lịch.
Lý do thứ nhất theo ông Châu là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đa phần đều tọa lạc tại khu vực ven biển hoặc hải đảo. Đây là những vị trí nhạy cảm, thậm chí có nơi còn gần biên giới của Việt Nam với nước khác. Một bờ biển thuộc địa phận quản lý của riêng một khu nghỉ dưỡng cũng có thể trở thành nơi đổ bộ quân đội. Vì vậy, không nên cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch là động thái cảnh giác và thận trọng cần thiết cho an ninh quốc phòng.
Thứ hai, lằn ranh phân định giữa khu vực biển đảo trọng yếu an ninh quốc phòng với các khu vực biển đảo thông thường rất mong manh. So sánh giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, cần đặt an ninh biển đảo lên cao nhất so với nhu cầu bán hàng của các doanh nghiệp.
Thứ ba, các tài sản bất động sản nghỉ dưỡng với người nước ngoài là một hình thức đầu tư tài chính thuần túy. Nhu cầu khai thác dòng tiền từ bất động sản nghỉ dưỡng được khối ngoại đặt nặng hơn là nhu cầu ở hay quyền sở hữu. Điều đó cho thấy đây không phải nhu cầu cấp thiết đối với nhóm đối tượng này nên không cần thiết mở rộng việc cho họ mua bất động sản nghỉ dưỡng khi khối ngoại đã được đề xuất mua căn hộ cao cấp.
Mặt khác, theo ông Châu, nếu bất động sản nghỉ dưỡng nhiều tiềm năng và hấp dẫn, nên ưu tiên và trao cơ hội cho người Việt đầu tư kinh doanh. Nếu người nước ngoài cần và có nhu cầu, họ có thể thuê lại từ người Việt, vẫn mang lại nguồn thu cho địa phương và quốc gia.
Không chỉ có cảnh báo của HoREA, Khánh Hòa – địa phương có nhiều dự án bất động sản du lịch phản ứng nhanh, kịp thời và thận trọng về vấn đề này trước khi Bộ Xây dựng đề xuất cho phép bán bất động sản cho người nước ngoài. Trong các dự án tập trung chủ yếu tại TP Nha Trang và khu vực Bãi Dài (Cam Lâm, TP Cam Ranh), nhiều dự án mà mục tiêu đầu tư (theo giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư) cho phép chủ đầu tư được bán bất động sản du lịch.
Trong văn bản phát đi cuối năm 2019, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa lưu ý, bất động sản du lịch (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch…) không phải là nhà ở, không được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở năm 2014. Do vậy, khi đưa các sản phẩm này vào kinh doanh mua bán, chủ đầu tư không được bán bất động sản du lịch cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua để làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng.
Trung Tín
Nhận xét
Đăng nhận xét