'Đá đèn' - ngôn ngữ của tài già

Thứ năm, 20/8/2020, 06:00 (GMT+7)

Theo tôi biết, “đá đèn” là một cách trao đổi thông tin mà các “tài già” phương thức lịch sự hơn thay cho còi khi lưu thông trên đường.

Đọc bài viết “Nháy đèn pha – thói quen tùy tiện của tài xế Việt” tôi cũng muốn góp ý kiến. Tôi chưa lái xe ở nước ngoài nên chưa biết họ quy ước thế nào, nhưng ở Việt Nam, các “tài già” quy ước thế này:

“Đá đèn” với xe cùng chiều là thay cho còi, ý muốn nhắc xe trước “anh đi chậm quá” hoặc ý muốn báo “tôi xin vượt anh”.

“Đá đèn” xe ngược chiều: nếu đá hai chớp liên tiếp là xin đường, một chớp là đáp lại hai chớp của đối phương (lười thì thôi), là chấp nhận nhường đường.

Trong cái hai chớp xin đường cũng có nhiều hoàn cảnh. Ví dụ, khi qua ngã tư tôi đi thẳng mà anh rẽ trái, mà hai ta đến gần như cùng lúc thì tôi đá hai cái, anh nhường cho tôi đi thẳng trước. Hoặc ngược lại, cũng hoàn cảnh ấy nhưng đang có dòng xe rẽ trái thì anh “đá” hai cái bảo tôi để anh rẽ trước theo đoàn rồi tôi đi thẳng sau vậy.

“Đá đèn” xin đường cũng có nghĩa là nhắc “bên tôi đường còn hẹp lắm, không thể nhường được mà sao anh lấn qua nhiều quá vậy?”. Cũng có khi muốn nói “bên tôi có chướng ngại vật, lẽ ra tôi nhường anh, nhưng vì tôi đến trước anh quá nhiều nên anh cho tôi “lượn” một cái qua khỏi chướng ngại vật rồi tôi trả đường cho anh, anh chỉ cần giảm ga thôi là tôi đã xong rồi”.

“Đá đèn” khi nhìn thấy biển số quen đi ngược ý muốn hỏi “đi đâu đấy?” hay “đi chơi giờ về rồi à?”. Trên quốc lộ mà sắp tới tỉnh khác thì ý muốn hỏi “đoạn trên có an toàn không?”, nếu “an toàn” thì bên “nghe” hạ kính quơ tay qua lại là bên “hỏi” biết.

Nói chung, tôi thì thấy việc nháy đèn là bình thường và quen thuộc với giới lái xe.

Độc giả Nguyễn Văn Liêm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến