'Nháy đèn pha - thói quen tùy tiện của tài xế Việt'

Hành động nháy đèn pha khi gặp xe đi ngược chiều để cảnh báo hạ đèn cos, nhường đường, tránh đường… thế nào cho hợp tình, hợp lý là vấn đề mà tài xế Việt chưa thông suốt. Về tình, nháy pha có thể gây loá, gây mù tạm thời và tạo ra những khoảnh khắc nguy hiểm khó lường khi các xe đang di chuyển. Về lý, theo luật GTĐB 2008, điều 8, khoản 12: cấm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư. Điều 17 khoản 3: xe cơ giới đi ngược chiều khi gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Nháy pha, cũng chính là đang sử dụng đèn chiếu xa tức thời. Vậy có nên dùng cái sai này để cảnh báo một cái sai khác nhất là khi ở cự ly gần.

Theo tìm hiểu và trải nghiệm giao thông ở một số quốc gia trên thế giới, tôi nhận ra sự khác biệt trong thói quen sử dụng đèn pha. Cụ thể, khi gặp nhau trên đường hẹp hoặc cùng đến một nút giao đồng cấp nháy một pha có nghĩa “Tôi nhường đấy, đi trước đi”.

Ở Việt Nam, khi xe nào nháy pha trước đồng nghĩa “tôi sẽ đi trước – nhường đi”, đôi khi tôi có cảm giác tín hiệu là “khôn hồn thì tránh ra”. Ngoài ra, có một số tình huống việc nháy pha không hiểu có tác dụng gì ngoài việc gây bực bội cho xe đối diện như: đường hẹp, trong phố, đã chủ động nép lề phải để nhường đường nhưng vẫn cứ bị “ăn” cái nháy pha chói lòa, quáng hết cả mắt… hoặc đường rộng thênh thang, gặp xe ngược chiều cũng vẫn bị “ăn phát nháy pha” vào mặt – lại chói lòa. Cơ bản ở nước ngoài, các xe không nháy pha bừa bãi.

Theo quan điểm cá nhân, nháy pha từ rất xa để nhắc nhở xe đối diện, khi xin vượt, khi cảnh báo vượt, khi đến nút giao khuất và vắng vẻ… tôi ủng hộ, nhưng nháy khi đã đến gần, nháy như một thói quen khi thấy xe ngược chiều thì tôi phản đối.

Một số thông tin và quan điểm đưa ra để độc giả cùng tham khảo và thảo luận nên dùng đèn pha sao cho hợp tình hợp lý, tránh lạm dụng bừa bãi, đảm bảo an toàn cho cả mình cũng như cho các phương tiện lưu thông ngược chiều.

Độc giả Hà Kiên Trung

Nhận xét

Bài đăng phổ biến