Kinh tế Trung Quốc 'bứt tốc' sau đại dịch

Thứ hai, 17/8/2020, 01:00 (GMT+7)

Kinh tế trong nước đóng vai trò động lực tăng trưởng chính với “bệ đỡ” từ đầu tư nước ngoài và công nghệ giúp Trung Quốc phục hồi nhanh sau dịch.

Sự phục hồi nhanh của ngành công nghiệp đang giúp Trung Quốc dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng, suy giảm kinh tế kéo dài vì tác động của Covid-19. Các nhà kinh tế được Bloomberg tham vấn ý kiến đều dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể đạt 2% – là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm nay.

Có được kết quả này là nhờ Trung Quốc đã nỗ lực dập tắt đợt dịch đầu tiên tại Vũ Hán, kiểm soát tốt các ổ dịch nhỏ và đưa ra chiến lược phát triển kinh tế theo mô hình mới – hướng vào thị trường nội địa, để đương đầu với sự suy giảm cầu về tiêu dùng trên toàn thế giới.

Dấu hiệu kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh trở lại thông qua sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 4,8% so với cùng kỳ 2019. Cùng đó, doanh số bán hàng trong tháng 7 tăng vọt khi các nhà máy bắt đầu khôi phục sản xuất, các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hoạt động lại sau thời gian nghỉ dài vì giãn cách xã hội.

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một công trình xây dựng ở Thượng Hải. Ảnh: BBG

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một công trình xây dựng ở Thượng Hải. Ảnh: BBG.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics Ltd., ở Hong Kong đánh giá, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc đang đi đúng hướng. “Đầu tư giữ vai trò lớn, trong khi ở phần còn lại của thế giới chính sách tài khoá tập trung vào hỗ trợ việc làm. Điều này giải thích tại sao nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng tốc nhanh hơn và có được chỗ đứng vững chắc hơn ở giai đoạn đầu quá trình phục hồi”, Tommy Wu phân tích.

Chưa kể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh phát triển kinh tế nước này theo hướng độc lập hơn trong bối cảnh các cuộc đối đầu với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ ngày càng gia tăng. Đó là mô hình phát triển kinh tế “tuần hoàn kép”, ở đó kinh tế trong nước đóng vai trò động lực tăng trưởng chính với “bệ đỡ” từ đầu tư nước ngoài và công nghệ.

Thực tế, Chính phủ Trung Quốc đang đổ khá nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng, nhất là công nghệ hướng tới tương lai. Khoảng 540 tỷ USD trái phiếu đặc biệt sẽ được chính phủ nước này phát hành trong năm nay để huy động tiền cho các nỗ lực nói trên.

Ở chiều ngược lại, các nhà phân tích cho rằng vẫn có những yếu tố trở ngại sự bứt tốc của kinh tế Trung Quốc. Trong khi doanh số bán hàng lần đầu tiên chuyển biến tích cực trong năm nay, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2019 nhờ doanh số bán ôtô tăng, nhưng tiêu dùng của người dân vào dịch vụ ăn uống tháng 7 lại giảm 11%.

“Người tiêu dùng Trung Quốc dường như mất nhiều thời gian hơn để quay lại mức chi tiêu bình thường so với các đối tác của họ ở Mỹ và châu Âu”, Helen Qiao – chuyên gia kinh tế trưởng Greater China tại Bank of America nói.

Ngoài ra, các đợt dịch bùng phát rải rác tại tỉnh Liêu Ninh, Tân Cương… vừa qua cũng có thể khiến mức độ sẵn sàng chi tiêu trong nhà hàng và giải trí của người dân duy trì ở mức thấp.

Một giải thích khác là tỷ lệ thất nghiệp thực tế tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với dữ liệu đưa ra, là 5,7%. Báo cáo tuyển dụng của Zhaopin.com – trang web tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc, cho thấy hơn 1/4 sinh viên tốt nghiệp đăng ký tìm việc làm trong tháng 6. Cộng với thu nhập giảm, giá lương thực, thực phẩm tăng… khiến sức chi tiêu của các hộ gia đình chịu áp lực lớn. Và chừng nào tâm lý người tiêu dùng còn chưa cải thiện, quá trình phục hồi kinh tế khó có thể nhanh hơn.

Yếu tố bất định khác tác động tới quá trình hồi phục kinh tế Trung Quốc là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại có thể đồng nghĩa với chính sách hỗ trợ kinh tế hiện tại, sẽ vẫn phải thay đổi.

Hôm thứ Sáu, Trump đã ra lệnh cho chủ sở hữu người Trung Quốc của ứng dụng TikTok phải bán tài sản tại Mỹ trong 90 ngày. Cộng với Mỹ – Trung bất ngờ trì hoãn đàm phán xem xét lại thoả thuận thương mại giai đoạn 1 dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 và chưa có lịch nối lại đàm phán cụ thể, cho thấy không loại trừ khả năng căng thẳng địa chính trị hơn nữa giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo Liu Peiqian, nhà kinh tế Trung Quốc tại Natwest Markets (Singapore), tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc tới đây ngoài phụ thuộc việc ngăn chặn dịch bệnh trong nước, còn phải dựa vào mối quan hệ thương mại với các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu. Đây là các thị trường đang gia tăng trở lại nhu cầu hàng hoá Trung Quốc sau thời gian dài ngừng trệ vì dịch bệnh.

Minh Anh (theo Bloomberg)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến