Lợi nhuận PVN và SCIC giảm mạnh
Thứ sáu, 28/8/2020, 06:22 (GMT+7)
Lãi năm 2019 của PVN giảm hơn 17%, còn SCIC sụt tới 50%, phần nào khiến tổng lợi nhuận sau thuế của 53 doanh nghiệp Nhà nước đi xuống.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 của 53 doanh nghiệp Nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tổng doanh thu năm 2019 của 53 doanh nghiệp tăng hơn 15% so với năm trước, lên gần 720.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của 13 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chiếm tới 93%, còn lại là thuộc 40 đơn vị thuộc các Bộ, ngành khác.
Tuy tổng doanh thu tăng nhưng lãi sau thuế của 53 doanh nghiệp này vẫn giảm 11% xuống 52.200 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kém đi chủ yếu do kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Cụ thể, PVN giảm lãi hơn 17%, xuống 23.180 tỷ đồng. Nguyên nhân là giảm cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên và trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trong khi đó, lợi nhuận của SCIC giảm hơn 50%, xuống 4.100 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu bán vốn năm 2019 giảm.
Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng ghi nhận lỗ hơn 1.170 tỷ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ hơn 610 tỷ, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) lỗ 280 tỷ đồng.
Ngược lại, một số doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận tăng trưởng tốt năm 2019. Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) lãi tăng 22%, lên hơn 4.500 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone lãi tăng 5%, lên 4.900 tỷ đồng. Lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng tăng hơn 34% lên 3.100 tỷ đồng nhờ cổ tức nhận về và sản lượng tiêu thụ trong năm 2019 tăng so với năm trước.
Xét theo Bộ, ngành, trong số 53 doanh nghiệp Nhà nước báo cáo, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải tăng 29%, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng cao.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính giảm 18%. Cụ thể, lợi nhuận của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM kém hơn do biến động của thị trường dẫn đến doanh thu giảm. Lãi sau thuế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng đi xuống do trụ sở mới đi vào hoạt động nên chi phí khấu hao và vận hành cao. Còn Công ty Xổ số điện toán Việt Nam lợi nhuận năm 2019 giảm do thu nhập khác giảm.
Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giảm 12%. Lãi sau thuế của đơn vị thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giảm 14% do lợi nhuận của PVN và SCIC giảm cùng với các khoản lỗ của Vinachem, Vinacafe.
Quỳnh Trang
Nhận xét
Đăng nhận xét