Lý do kinh tế Anh giảm sâu hơn các nước giàu khác
Quý II, GDP của Anh – quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao nhất châu Âu – giảm mạnh nhất trong các nước phát triển.
Nền kinh tế Anh đang phục hồi khi các hạn chế đối với cuộc sống hàng ngày được nới lỏng và người lao động đổ về các nhà máy, văn phòng. Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo cuối năm 2021 mới có thể phục hồi những tổn thất vì đại dịch.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh hôm 12/8 cho biết, GDP quý II nước này giảm 20,4% so với quý trước. Trong khi đó, GDP của Mỹ và Đức giảm khoảng 10%, Italy mất 12%, Pháp 14% và Tây Ban Nha 19%.
“Đó là những tháng khó khăn”, Richard Swart, Giám đốc chất lượng và bán hàng toàn cầu của Berger Global, một đơn vị thuộc Ringmetall AG (Đức), có trụ sở tại miền bắc nước Anh, bình luận. Ông cho biết, doanh số bán hàng trong tháng 5 và tháng 6 giảm từ 20% đến 40%. Doanh số bán hàng của công ty đã được cải thiện nhưng vẫn lẻ tẻ, đi cùng với sự thiếu chắc chắn từ khách hàng. “Mọi người đều nuôi hy vọng rằng sẽ có vaccine, đó là giải pháp cuối cùng”, ông nói.
Anh đã đóng cửa hoạt động để chống Covid-19 vào cuối tháng 3, vài tuần sau khi các nước châu Âu đã làm vậy. Nước này chỉ dần bắt đầu nới lỏng các hạn chế vào cuối tháng 5. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Anh đã đóng cửa trong hầu hết quý thứ hai, trong khi Đức và các nước láng giềng khác đã có thể mở cửa trở lại trước.
Một yếu tố khác là cấu trúc nền kinh tế Anh. So với các nước phát triển khác, một phần lớn hơn của nền kinh tế phụ thuộc vào các hoạt động đòi hỏi sự tiếp xúc cá nhân chặt chẽ. Vì vậy, kinh tế đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Ngân hàng trung ương Anh tính toán rằng chi tiêu cho các hoạt động như vậy, bao gồm đi xem phim hoặc rạp hát, ăn uống hoặc tham dự các sự kiện thể thao trực tiếp, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng ở Anh, so với khoảng 11% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng euro.
Dữ liệu công bố hôm 12/8 cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Anh đã giảm 23,1% trong quý II so với quý đầu tiên, trong khi đầu tư kinh doanh giảm gần một phần ba. Sản lượng sản xuất và dịch vụ đều giảm một phần năm do các nhà máy ngừng hoạt động và doanh nghiệp đóng cửa.
Steve Clift, Giám đốc Café Azzurro Events, cho biết đại dịch đã thổi bay tất cả doanh thu mà ông dự kiến kiếm được trong năm nay. Solihull, công ty có trụ sở tại Anh, cung cấp dịch vụ cà phê và khách sạn trên khắp châu Âu cho biết các hội nghị và sự kiện đều bị hủy bỏ.
Các số liệu chính thức cho thấy hoạt động kinh tế tại Anh tăng lên trong tháng 6 khi các biện pháp phong tỏa giảm bớt. Nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% trong tháng, dẫn đầu bởi sự mở rộng trong lĩnh vực khách sạn và xây dựng.
Dữ liệu hôm 12/8 còn cho thấy sản lượng công nghiệp ở 19 quốc gia khu vực đồng euro tăng mạnh trong tháng thứ hai liên tiếp, tính đến tháng 6. Sản lượng tại các nhà máy và hầm mỏ cao hơn 9,1% so với tháng 5, mặc dù vẫn thấp hơn 11% so với tháng 2, trước khi hoạt động phong tỏa được triển khai rộng rãi.
Trong bối cảnh suy thoái, Anh có điểm chung với các nước châu Âu khác là đã chi lớn để cố gắng giữ người lao động không mất việc. Khoảng 730.000 việc làm đã bị mất kể từ tháng 3. Tuy nhiên, khoảng 9,6 triệu nhân viên vốn có thể bị sa thải nhưng được giữ lại nhờ chương trình trợ cấp tiền lương của chính phủ. Chương trình đó sẽ kết thúc vào tháng 10. Giám đốc Kho bạc Rishi Sunak cảnh báo người Anh sẽ phải mất việc nhiều hơn vào mùa thu này.
Anh đã ghi nhận 46.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19 được xác nhận, con số cao nhất ở châu Âu và cao thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Mexico. Con số này tương đương với gần 700 ca tử vong trên một triệu dân, nhiều hơn Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy hay Mỹ.
Các chuyên gia y tế công cộng cho biết con số cao phản ánh các yếu tố bao gồm dân số già và đa dạng, vì người già và một số nhóm dân tộc dễ bị bệnh nặng hơn. Anh cũng có tỷ lệ béo phì, tiểu đường và các bệnh khác liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn so với các nước láng giềng châu Âu.
Một số người cũng chỉ ra những sai sót trong chính sách, chẳng hạn như chờ đợi quá lâu để kìm hãm nền kinh tế và chậm triển khai chương trình xét nghiệm, theo dõi và cô lập hiệu quả để truy tìm các ca bệnh mới và ngăn chặn sự lây lan của virus. “Chúng ta phản ứng rất muộn, một cách hỗn loạn”, Linda Bauld, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Edinburgh, nhận xét.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson tiếp tục dẫn trước Đảng Lao động đối thủ trong các cuộc thăm dò. Có hai lý do chính cho việc này. Thứ nhất, cử tri cho rằng đảng của ông Johnson có thể quản lý nền kinh tế tốt hơn. Thứ hai, cử tri đang tỏ ra tha thứ cho cách chính phủ xử lý đại dịch.
Theo khảo sát của YouGov, các cử tri đang xem kinh tế là vấn đề số một, thay vì chăm sóc sức khỏe. Điều này có nghĩa, vị thế chính trị của ông Johnson sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và mức độ ổn định của thị trường lao động khi các chương trình hỗ trợ tiền lương kết thúc vào mùa thu.
Một khó khăn tiềm tàng khác của Anh là tiến trình đàm phán thương mại với châu Âu, vốn dự kiến kết thúc vào mùa thu này. Anh đã chính thức rời khỏi khối EU vào đầu năm nhưng thực tế vẫn là một quốc gia thành viên cho đến cuối năm. Việc không đạt được thỏa thuận có nguy cơ làm gián đoạn giao dịch thương mại với đối tác thương mại lớn nhất, có khả năng gây cản trở sự phục hồi sau đại dịch.
Phiên An (theo WSJ)
Nhận xét
Đăng nhận xét