Tiếp viên Việt xoay xở đủ nghề trong đại dịch

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, tiếp viên hàng không đi dạy, làm thiết kế đồ họa, kinh doanh, dạy yoga… để có thêm thu nhập.

Từ tháng 2 đến nay, cuộc sống của Chu Hòa, tiếp viên một hãng hàng không Hàn Quốc đang sống tại TP HCM, có những thay đổi lớn. Dịch bùng phát ở Hàn Quốc, cô trở về Việt Nam trước khi có lệnh cấm các đường bay. Tưởng rằng đến tháng 7 sẽ được đi làm lại, đến nay Hòa vẫn phải ở nhà.

Trước đây, cô bay khoảng 60 – 80 giờ mỗi tháng, với mức lương khoảng 1.300 USD, thi thoảng có thêm thưởng. Với Hòa, đây là mức thu nhập tốt. Dù công ty hỗ trợ lương cơ bản hàng tháng, tiếp viên 26 tuổi vẫn lo lắng vì chưa biết sắp tới tài chính của công ty thế nào. Cô cũng lo tiếp viên nước ngoài như mình sẽ bị sa thải đầu tiên nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn.

“Trước đây, mỗi tháng ngoài chi tiêu tôi còn để ra một khoản tiết kiệm và khoản nữa trả ngân hàng cho khoản vay đầu tư bất động sản. Giờ thu nhập giảm, phải tiết kiệm, không mua sắm để còn đủ trả khoản vay ngân hàng. Nếu tiếp tục nghỉ ở nhà thế này thì rất khó khăn”, Hòa cho biết.

Hòa (thứ hai, từ trái sang) chụp ảnh cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.

Hòa (thứ hai, từ trái sang) chụp ảnh cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.

Cố gắng giữ tinh thần lạc quan, Hòa xem đây là khoảng thời gian để cải thiện bản thân. Cô đi dạy, chia sẻ kinh nghiệm về nghề tiếp viên, kỹ năng thi tuyển cho các bạn trẻ có cùng đam mê.

“Nhiều bạn nhắn tin hỏi kinh nghiệm thi tuyển, công việc ra sao… Nhưng lúc đó bay về rất mệt, tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân và gia đình nên không có cơ hội tư vấn nhiều, bây giờ có thời gian rồi. Tôi mong muốn mọi người hiểu thêm về nghề”, Hòa vui vẻ nói. Ngoài ra, cô còn tham gia các lớp tiếng Anh, tiếng Hàn, đọc sách, rèn luyện sức khỏe.

“Ngày nào ngủ dậy tôi cũng mong năm 2020 qua đi và hết dịch. Với tình hình này, tôi xác định nghỉ bay hết năm nay dù chưa có công bố chính thức từ công ty. Xem như cả năm chỉ đi làm được 2 tháng, nghỉ gần một năm ở nhà. Có lẽ khi thế giới công bố hết dịch, có vaccine thì tôi mới được đi làm”, tiếp viên hàng không với 4 năm kinh nghiệm nói.

Hòa (áo vàng) trong lớp chia sẻ kĩ năng về nghề tiếp viên hàng không.

Hòa (áo vàng) trong lớp chia sẻ kĩ năng về nghề tiếp viên hàng không. Ảnh: NVCC.

Cùng tâm trạng với Hòa, Ngọc Trâm, tiếp viên với 8 năm kinh nghiệm, chủ động xin nghỉ không lương theo khuyến khích của hãng từ khi dịch bùng phát. Cô nghĩ giai đoạn khủng hoảng này cũng là cơ hội để cân bằng lại cuộc sống.

“Trước đây tôi có mở tiệm nho nhỏ bán đồ bơi nữ, nhưng vì bận nên bỏ bê. Giờ có thời gian tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi về kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, vận dụng thêm kiến thức chăm sóc khách hàng từ công việc tiếp viên”, Trâm cho biết. Thu nhập từ công việc này cũng ổn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hạn chế trong giai đoạn dịch bệnh của gia đình cô.

Còn với Hải Phong, tiếp viên một hãng hàng không tại Việt Nam, dù bị giảm lương và giờ làm, anh vẫn có thu nhập từ việc thiết kế đồ họa nên “có thể thích nghi được tạm thời”. Thu nhập có thêm từ nghề thiết kế chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Tháng nào cao, thu nhập khoảng 70% so với lương tiếp viên hàng không trong mùa dịch, còn trung bình khoảng 30 – 40%.

Tiếp viên 9x này tự học thiết kế đồ họa đã được 5 năm. “Hiện tại, khách hàng của tôi là những người quen, được bạn bè giới thiệu, một tháng nhiều thì có khoảng 7 – 8 khách đặt hàng. Tôi có ý tưởng lập thêm một trang Facebook, đăng tải những hình ảnh tôi thiết kế, rồi chạy quảng cáo để tìm thêm khách hàng. Hiện tại tôi dành khoảng 4 – 5 tiếng/ngày để vẽ”, Phong cho biết.

“Lần này dịch bùng phát trở lại, ai cũng thất vọng. Nhưng có kinh nghiệm từ đợt đầu tiên nên tôi đỡ hoang mang hơn. Quan trọng nhất là biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân và hành khách”, anh nói. Cá nhân anh vẫn chọn theo nghề, vì “thi vào ngành hàng không rất khó, ai nỡ bỏ”. Anh vẫn cố gắng để vượt qua khó khăn, làm thêm để tận dụng thời gian chết, có thu nhập trang trải cuộc sống.

Sau khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 7, nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không trong nước đã giảm đột ngột do tâm lý e ngại dịch của người dân, các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020. Ảnh: Thu Huyền

Sau khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 7, nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không trong nước đã giảm đột ngột do tâm lý e ngại dịch của người dân, các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020. Ảnh: Thu Huyền

Tương tự, từ khi bị giảm giờ bay, Thành Nam, một tiếp viên tại Hà Nội, dành thời gian chơi chứng khoán. Từng làm trong công ty chứng khoán, Nam đầu tư khá thuận lợi. Anh từng tìm tòi thử bán tour, song vì dịch bùng phát trở lại nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Nam cũng đăng ký học thêm khóa học tiếng Hàn, tập gym, học piano để cải thiện bản thân. “Đây là thời kỳ khó khăn chung, ngành nào cũng bị ảnh hưởng. Tôi hy vọng tất cả đồng nghiệp vẫn nỗ lực, giữ đam mê với nghề để cùng vượt qua thời gian này”, anh nói.

Vì có con nhỏ, Trinh Võ, một tiếp viên sống tại TP HCM, có nhiều lo lắng hơn. Tiếp viên 23 tuổi này cho biết: “Vừa lo con gái bị ảnh hưởng sức khỏe, vừa lo không biết có đủ tiền để nuôi con qua dịch không. Tôi trấn an bản thân, còn khỏe còn kiếm được tiền, không việc này thì việc khác. Học nhiều ngành như thanh nhạc, marketing nên tôi cũng không ngại làm nhiều nghề”.

Covid-19 ập đến, mọi thứ trong cuộc sống của Trinh gần như thay đổi hoàn toàn. Lương tiếp viên đang ổn định bị chững lại đột ngột, cùng nguồn thu từ việc đi quay và thu âm của cô cũng ảnh hưởng. Khi phải nghỉ không lương ở nhà suốt 4 tháng, ngày nào Trinh cũng tập yoga – đam mê từ lâu của cô. May mắn đến khi được bạn thân gợi ý, cô thử dạy yoga. Thấy hợp nên Trinh quyết định đi học lấy bằng huấn luyện viên yoga chuyên nghiệp. Trong thời gian nghỉ, thu nhập từ việc dạy yoga giúp Trinh cảm thấy bớt khó khăn. Khách hàng của Trinh chủ yếu là các bà mẹ sau sinh muốn giảm cân, lấy lại vóc dáng.

“Dù thu nhập từ việc làm huấn luyện viên yoga ổn định, nhưng tôi vẫn sẽ làm song song với việc đi bay, chứ không bỏ nghề tiếp viên. Tôi còn yêu nghề tiếp viên nhiều lắm”, Trinh lạc quan nói.

Sau khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 7, nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không trong nước đã giảm đột ngột do tâm lý e ngại dịch của người dân, các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020.

Theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, mặc dù đã cắt giảm chi phí, bán bớt tàu bay, giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé, các hãng hàng không vẫn bị suy kiệt dòng tiền. Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm nay giảm một nửa – còn 50.000 tỷ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II, Vietjet Air chỉ đạt doanh thu 1.970 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước do Coivd-19, âm 1.122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế dự báo, đến năm 2024 hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019 và các hãng của Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.

Dự báo của Ngân hàng thế giới về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng nêu rõ, nền kinh tế thế giới trong những tháng tới sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng (dự báo năm 2020, GDP giảm 5,2%; thu nhập đầu người giảm 3,6%), thương mại, du lịch và các ngành nghề có tính giao thương quốc tế sẽ bắt đầu hoạt động trở lại nhưng khó có sự hồi phục mạnh mẽ.

Ngân Dương

Xem thêm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến