Vì sao người dùng khó mua ôtô ngân hàng thanh lý
Thứ tư, 26/8/2020, 14:08 (GMT+7)
Ngân hàng muốn thanh lý xe cho người có nhu cầu sử dụng nhưng thực tế, người trả giá phần lớn là dân buôn xe chuyên nghiệp.
VIB, VPBank, Techcombank, TPBank là những ngân hàng có thế mạnh về cho vay trả góp mua ôtô trên thị trường. Đi kèm với cho vay, các nhà băng này cũng thường xuyên bán thanh lý xe thu hồi từ khách hàng có nợ quá hạn và vi phạm hợp đồng tín dụng.
Với hiện trạng tài sản và thủ tục hiện nay, đối tượng mua xe thanh lý từ ngân hàng chủ yếu là dân buôn chuyên nghiệp hoặc đại lý xe. Đại lý buôn xe thường trả giá thấp (đảm bảo có lời khi bán lại ra thị trường) rồi tân trang lại.
Một cán bộ xử lý nợ lâu năm của VPBank chia sẻ với VnExpress, ngân hàng cũng thích bán xe cho người có nhu cầu mua sử dụng để hưởng giá cao hơn nhưng thực tế chưa từng thanh lý được chiếc nào cho đối tượng này.
Xe thu hồi từ khách vay được ngân hàng giữ nguyên hiện trạng, không tân trang lại nên bề ngoài kém hấp dẫn. Phần lớn xe thanh lý được ngân hàng bán đấu giá thông qua công ty thứ ba, ít đơn vị bán thương lượng trực tiếp.
Một cán bộ của VPBank cho biết, sau khi thu hồi, ngân hàng này khẩn trương thuê thẩm định giá dựa trên hiện trạng xe và tổ chức đấu giá nhanh nhất có thể. Xe sau thu hồi thường nằm chờ ở bãi trung bình trong 2 tháng. Do vậy, ngân hàng không tân trang hay chăm sóc thêm mà bán nguyên với hiện trạng xe, cũng không có chế độ hậu mãi. Còn khi mua xe cũ đã được “tút tát” lại ở đại lý, giá bán có thể cao hơn nhưng khách hàng được hưởng bảo hành và chính sách hậu mãi.
Vì thế theo tư vấn của người trong ngành, khách hàng khi tham khảo xe thanh lý từ ngân hàng nên nhờ tới người trong nghề ôtô để đánh giá tình trạng xe. Khách hàng cũng nên tính toán mức giá tối đa tương ứng với hiện trạng xe, dự trù thêm cả chi phí tân trang lại.
Chưa kể, nếu mua xe thanh lý của ngân hàng, hầu hết các bên không cho trả góp mà phải đóng 100% giá trị xe theo hợp đồng mua bán.
Nhiều người dùng cũng lo ngại về thủ tục và sợ mất thời gian.
Theo quy trình, khách sẽ được giao xe ngay sau khi đóng tiền cho ngân hàng, chờ 7-15 ngày để nhận đầy đủ hồ sơ giấy tờ, sau đó có thể thực hiện thủ tục sang tên. Nhưng việc sang tên sẽ trục trặc nếu hồ sơ giấy tờ ngân hàng bàn giao không đầy đủ.
Một cán bộ phụ trách về xử lý nợ của VIB cho biết, hiện nay 80% xe thu hồi của nhà băng này đến từ việc thu giữ (khách hàng không tự nguyện). “Phần lớn số xe cưỡng chế thu hồi cũng chưa có giấy xác nhận của công an phường hay chính quyền địa phương”, người này cho hay.
Tình trạng này cũng có xảy ra ở một nhà băng khác như TPBank, khiến thủ tục sang tên đối với xe thanh lý có thể gặp vướng mắc.
Giới trong ngành cho biết, đại lý buôn xe có “mẹo” để thực hiện sang tên nhanh chóng và dễ dàng kể cả khi hồ sơ bàn giao của ngân hàng thiếu giấy xác nhận của công an phường. Nhưng với cá nhân, việc này có thể gặp rủi ro.
Tuy nhiên, một cán bộ của VIB vẫn cam kết, nếu khách cá nhân đã ký kết hợp đồng mua bán, ngân hàng có trách nhiệm hỗ trợ hết sức để xin xác nhận của công an phường, giúp khách có thể sang được tên. “Sau khi đóng đủ tiền, ngân hàng cam kết sẽ hoàn thiện hồ sơ trong 10-15 ngày để khách làm thủ tục sang tên bình thường”, người này nói.
Còn tại VPBank, nhân viên cho biết, ngân hàng sẽ bàn giao đầy đủ hồ sơ cho khách hàng sau 7 ngày từ lúc nộp tiền. Xe thanh lý có đủ chữ ký xác nhận bàn giao của khách trong trường hợp tự nguyện hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương ngay tại lúc cưỡng chế thu hồi. Vì thế, khách sẽ không gặp phải bất kỳ rủi ro nào liên quan đến giấy tờ pháp lý để thực hiện sang tên.
Nhìn chung, để tránh gặp phải rủi ro, người dùng nên tham khảo kỹ từ tư vấn của ngân hàng đồng thời yêu cầu ngân hàng cam kết bàn giao đầy đủ giấy tờ đúng hạn để thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục sang tên.
Quỳnh Trang
Nhận xét
Đăng nhận xét