Việt Nam đủ sức sản xuất ôtô?

Thứ sáu, 21/8/2020, 04:00 (GMT+7)

Không riêng ôtô, có khá nhiều ngành chúng ta đang không sản xuất và tiêu thụ được những thứ mà chúng ta đủ sức làm ra.

Vâng, nó nghịch lý như chính quả xoài Nhật chúng ta nhập về ăn với giá “trên trời” mà nó chả ngon gì hơn so với xoài cát Hòa Lộc. Cần hiểu nhu cầu công nghệ của xã hội và mức độ đáp ứng cho nhu cầu đó có “điểm dừng” ở đâu, mức nào là vừa đủ, mức nào là thừa mứa và mức nào là… quá thừa.

Thực sự cả xã hội đang bị chiến lược marketing “cung đẩy” của các tập đoàn lớn áp đặt. Hiện, ở khá nhiều lĩnh vực, mức độ đáp ứng của công nghệ đã cao hơn mức yêu cầu của xã hội rất xa. Vì vậy, các tập đoàn luôn lấy chiêu bài “tân tiến, văn minh, an toàn, bảo vệ môi trường…” để đẩy ta tiến tới hành vi tiêu thụ ở mức thừa mứa không cần thiết. Ví dụ, tôi là nông dân đi làm rẫy, chưa có cái nón tốt để che nắng mà lại mua kem dưỡng da chống nắng thì nó không hợp lắm.

Về thực tế, những gì thuộc về tư duy như trong văn học, trong thơ ca, nghệ thuật, trong toán học, trong tin học… có thể có cơ may làm những thứ tốt hơn thế giới. Bạn có thể sáng tác một bài hát làm cho cả thế giới “lên đồng”, chiếm vị trí số một trên billboard nhiều tuần liền; bạn có thể viết một trò chơi kiểu Flappy Bird làm cả thế giới say mê, bạn có thể giành huy chương vàng IMO, giải Fields… Nhưng trong công nghệ, nếu bạn cho rằng phải sản xuất ngay được những “con ốc” mà tập đoàn công nghiệp cần thì xin thưa các bạn, đó là tư duy của những người… hoang tưởng.

Chúng ta thường nói Việt Nam đi sau các nước hàng chục đến hàng trăm năm nhưng ít ai nhìn thấy biểu hiện “cái trăm năm” ấy ra chỗ nào. Vậy thì chúng ta nên thử bắt đầu làm những thứ phổ biến ở các nước tiên tiến cách đây khoảng mấy chục năm thôi là chúng ta đã “vượt lên chính mình” rồi. Nếu tôi nói rằng “Ước gì kinh tế, đời sống và khoa học kỹ thuật của Việt Nam bây giờ bằng các nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ… vào năm 1990!”, tôi cho rằng sẽ có đến hơn 90 triệu dân Việt Nam cho rằng tôi mơ quá cao, hão huyền, điên, hâm, ngáo… và không biết bao nhiêu “đá” mà tôi sẽ nhận được vì cái ước mơ “xa vời” ấy!

Thế nhưng nếu tôi làm đơn xin Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép cho tôi sản xuất một chiếc ôtô có tiêu chuẩn khí thải EURO 1 thì sao nhỉ. Bao nhiêu người sẽ bảo tôi là kẻ: “Kéo đất nước đi thụt lùi!”, “Tội đồ mang ô nhiễm trút lên đầu đồng bào mình”, “Vì tiền mà bất chấp tất cả sức khỏe của nhân dân”… và hiển nhiên là Bộ không thể cấp.

Bạn có biết rằng hai “giấc mơ” trái ngược nhau đó từng xảy ra cùng một thời điểm ở châu Âu. Cuộc sống của họ “sang chảnh” đến nỗi bạn không dám mơ tới vào cái thời mà họ còn chưa có tiêu chuẩn khí thải nào.

Vì vậy, nếu chúng ta chấp nhận một chiếc ôtô theo kiểu “thùng tôn di động” do Việt Nam sản xuất 90%, nhưng có chất lượng “đạt tiêu chuẩn chất lượng của Đức, Mỹ, Nhật, Pháp cách nay 50 năm” thì chắc chắn các nhà cơ khí Việt Nam tự làm được và chỉ mua thêm một số linh kiện “phổ thông” như bu-gi, vòng bi… chất lượng quốc tế với giá rất rẻ so với tự sản xuất. Điều đó chỉ xảy ra khi chính quyền chấp nhận cấp phép cho một chiếc ôtô như thế ra đời.

Có nhiều người từng trách giới khoa học Việt Nam là sao không làm chiếc xe ba bánh an toàn thay thế xe ba gác kiểu cũ, để đến khi xe cũ bị cấm thì chúng ta phải nhập cái xe ba bánh chả có gì hiện đại. Cái ôtô “đi sau thế giới 50 năm” mà tôi nói trên chính là trường hợp sắp bị bỏ lỡ đấy. Chúng ta có làm cái ôtô “đi sau thế giới 50 năm” thì chúng ta mới có cơ hội làm tiếp cái “đi sau 30 năm” rồi “sau 20 năm” và cứ thế đuổi theo. Nói chung phải sản xuất “con ốc” tiêu chuẩn thấp cho chính chúng ta dùng trước rồi mới có cơ hội sản xuất được “con ốc” bán cho tập đoàn đa quốc gia.

Dẫu biết rằng không dễ nhưng hy vọng rằng có ngày chúng ta sẽ chạy chiếc xe “do người Việt làm cho người Việt”.

Độc giả Nguyễn Văn Liêm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến