Kiến nghị giải quyết vướng mắc việc giao vốn bảo trì đường sắt
Thứ sáu, 23/4/2021, 17:46 (GMT+7)
Trước việc còn nhiều ý kiến khác nhau về giao vốn bảo trì đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ họp để thống nhất ý kiến giữa các Bộ, ngành.
Ngày 23/4, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Bộ này vừa báo cáo Chính phủ về các tồn tại trong việc giao vốn bảo trì đường sắt.
Theo đó, hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, do vậy, việc Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giao dự toán nguồn ngân sách cho VNR (đơn vị không trực thuộc Bộ) như trước đây là không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giao cho Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ, ký hợp đồng với các đơn vị bảo trì.
Ông Lê Hoàng Minh cho hay, việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam không phải tạo thêm một khâu trung gian. Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục Đường sắt Việt Nam có đủ thẩm quyền, năng lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đây cũng giống như khi Bộ Giao thông Vận tải giao vốn bảo trì kết cấu tài sản của nhà nước trong lĩnh vực đường bộ, hàng hải…
Vừa qua Cục Đường sắt Việt Nam đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Chính phủ nêu VNR không thực hiện các chỉ đạo của Bộ, không phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam để hoàn thiện dự thảo hợp đồng đặt hàng. VNR cũng “chưa cho phép người đại diện phần vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp bảo trì ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt Việt Nam” để triển khai thực hiện giao vốn bảo trì năm 2021.
Cũng tại báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm của Bộ Tài chính, cho rằng việc giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp lại cho rằng việc Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán cho VNR không trái với quy định của pháp luật; đồng thời, giao cho VNR nghĩa là không phải qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
“Do có ý kiến trái chiều như vậy nên Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ họp bàn để thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành”, lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng nói.
Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, vẫn kiến nghị Chính phủ giao thẳng vốn cho VNR như các năm trước đây để doanh nghiệp điều hành tập trung. “Các đơn vị quản lý bảo trì hạ tầng, đảm bảo an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải đường sắt là một thể thống nhất, nếu giao cho Cục Đường sắt là thêm một trung gian, phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, làm triệt tiêu động lực của ngành”, ông Minh nêu quan điểm.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý hơn 3.100 km đường sắt và trên 1.500 đường ngang đi qua 34 tỉnh, thành. Để bảo trì toàn bộ cơ sở hạ tầng này, VNR phải tổ chức hệ thống nhân lực từ công ty mẹ đến các đơn vị dọc tuyến đường sắt với hơn 11.300 lao động; trong đó 1.241 tuần đường, 2.881 lao động gác chắn, 6.278 công nhân duy tu và 915 lao động gián tiếp tại 20 doanh nghiệp.
Theo định kỳ những năm trước đây, Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho VNR để chi trả tới các đơn vị hạ tầng. Năm 2019, ngân sách đã chi trả khoảng 2.500 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường sắt; năm 2020 là 2.800 tỷ đồng và dự kiến năm nay cũng vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự toán năm 2021 chưa giao được do vướng mắc cơ chế và ý kiến khác nhau giữa các đơn vị liên quan.
Nhận xét
Đăng nhận xét