Sinh viên FUNiX xây dựng phần mềm hỗ trợ sử dụng MRI
Thứ sáu, 23/4/2021, 19:00 (GMT+7)
4 sinh viên tại FUNiX (nhóm 4AM) giành giải Triển vọng tại cuộc thi Lập trình Hackathon của FPT Education nhờ sản phẩm ứng dụng vào ngành y tế.
Trong đó, Võ Thục Khánh Huyền (Hà Nội) và Vương Tuấn Khanh (TP HCM) học Machine Learning theo chương trình học bổng do công ty Kalapa tài trợ; Bùi Quốc Khôi và Hoàng Văn Tuyên (Đà Nẵng) học khóa Data Science theo chương trình học bổng Cuộc đua số do FPT tổ chức.
Khi tham gia FPT Edu Hackathon 2020, cả nhóm cùng lựa chọn một đề tài mang tính thách thức với mục tiêu giải quyết bài toán thực tế: Giảm thiểu chi phí và thời gian trong quá trình chụp và sử dụng MRI (cộng hưởng từ) tại các bệnh viện. Sản phẩm có tên gọi “Hệ thống hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình chụp và sử dụng MRI, giảm bớt thời gian và chi phí”.
Bùi Quốc Khôi – Trưởng nhóm cho biết, ý tưởng của nhóm là xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo gồm các chức năng chính như: tạo ra các ảnh MRI T1 từ các ảnh MRI T2 và ngược lại, giúp giảm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Hệ thống phát hiện và nhận diện khối u trong não, phân loại 3 loại khối u: u màng não, u thần kinh đệm và u tuyến yên. Toàn bộ hệ thống được nối chung với nhau theo chuỗi và có đầu ra ở từng bước để hỗ trợ các y bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
“Sản phẩm sẽ giảm thời gian và chi phí chụp ảnh MRI thông thường, đồng thời giảm bớt các sai sót y học. Nếu triển khai vào thực tế, hệ thống vừa giúp người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này dễ dàng hơn, vừa hỗ trợ thiết thực cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị bệnh nhân”, nam sinh nói thêm.
Đề tài của nhóm được mentor (chuyên gia công nghệ) Nguyễn Anh Tiến gợi ý. Anh cho biết: “Các bạn hoàn toàn chủ động tự triển khai, lập trình, học hỏi và phối hợp để thực hiện dự án. Nhóm code rất tốt. Trong vai trò mentor, tôi hầu như không hướng dẫn gì nhiều về kỹ thuật”.
Nhóm sử dụng ngôn ngữ lập trình chính là python, ngoài ra còn dùng framework (khung phần mềm) như: tensorflow, keras, các thư viện phần mềm như pandas, matplotlib, scikit-image… Các bạn cho biết, đề tài này có mức khó cao vì những vấn đề như kỹ thuật áp dụng còn khá mới, dữ liệu về y học cũng khan hiếm.
“Chúng mình may mắn có sự đồng hành của mentor Nguyễn Anh Tiến, là một nghiên cứu sinh về lĩnh vực y học. Anh hỗ trợ nhóm nhiệt tình, giúp liên hệ các bác sĩ để xin ý kiến đánh giá… Nhóm đã chuẩn bị kỹ để có thể thi đấu tốt nhất tại vòng Chung kết”, Quốc Khôi chia sẻ.
Đều là sinh viên trực tuyến và sống tại các thành phố khác nhau, nhóm bạn sắp xếp thời gian biểu và phân công nhiệm vụ linh hoạt để làm việc nhóm hiệu quả. Võ Thục Khánh Huyền cho biết: “Mỗi người trong đội được phân công tìm hiểu một mảng kiến thức và nhiệm vụ riêng. Việc code thì cả đội chia nhau, vì các thành viên ở ba địa phương khác nhau, nên hơi khó khăn một chút khi vừa code, vừa xem trao đổi” .
Thành viên Hoàng Văn Tuyên bày tỏ bản thân thích đề tài này bởi nó giúp các bạn có thể thỏa sức suy nghĩ về ý tưởng và tiếp cận theo xu thế công nghệ mới nhất.
Giành Giải Triển vọng chung cuộc tại FPT Edu Hackathon 2020, các thành viên kỳ vọng sẽ có thể tiếp tục cùng xây dựng sản phẩm, đưa vào ứng dụng trong thực tế một ngày gần nhất. Nhóm trưởng Bùi Quốc Khôi khẳng định: “Sản phẩm có ý nghĩa rất lớn nên sau cuộc thi này, chúng mình sẽ tiếp tục giữ liên lạc với mentor, cùng phát triển nên một hệ thống đạt đủ điều kiện để có thể đưa vào sử dụng trong thực tế”.
Quỳnh Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét