Thí điểm đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến

Thứ sáu, 23/4/2021, 18:14 (GMT+7)

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, phối hợp các đơn vị xây dựng phần mềm đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến dùng chung cho bệnh viện, thí điểm tại một số bệnh viện.

Mục tiêu của đề án này là giúp người bệnh và người nhà người bệnh không chờ đợi lâu, tiết kiệm thời gian khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế thông tin chiều 23/4. Hoạt động đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh trực tuyến áp dụng với cả người bệnh bảo hiểm y tế và khám dịch vụ theo yêu cầu. Những tiện ích là người bệnh hạn chế phải xếp hàng, chủ động chọn giờ và bác sĩ khám, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và được tạm ứng trước, rút ngắn một nửa thời gian so với đến khám, chữa bệnh trực tiếp như hiện tại.

Theo Bộ Y tế, mô hình hẹn giờ khám, chữa bệnh đã được một số bệnh viện triển khai nhưng chưa đồng bộ. Người bệnh vẫn phải đi sớm, xếp hàng chờ ở nhiều khâu như đăng ký khám bệnh, nộp viện phí, làm cận lâm sàng, phát thuốc.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi triển khai mạnh mẽ hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa, tỷ lệ người dân đặt lịch rất thấp. Bệnh nhân vẫn trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5h sáng.

Bệnh viện Việt Đức dành riêng một lối cho người bệnh đã đặt lịch khám trước qua điện thoại. Ảnh: V.Thu

Bệnh viện Việt Đức dành riêng một lối cho người bệnh đã đặt lịch khám trước qua điện thoại. Ảnh: V.Thu

Đề án “Đặt lịch Khám, chữa bệnh trực tuyến” là tiền đề triển khai Đề án Áp dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân trong hoạt động quản lý, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân chỉ cần nhập số sổ Bảo hiểm y tế (BHYT) vào hệ thống đặt lịch, hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó, bệnh nhân sẽ nhận được giờ hẹn, phòng khám và bác sĩ khám cho mình…

Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần truy cập phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện để nhận thông tin bệnh nhân. Những thông tin này bao gồm: lịch sử khám chữa bệnh, kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc, chế độ điều trị (nếu có) trước đó của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị.

Mục tiêu lớn nhất của Hồ sơ sức khỏe điện tử này là “một bệnh án dùng chung” cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh.

Lê Nga

Nhận xét

Bài đăng phổ biến